QUẢN LÝ ĐỌT GIAI ĐOẠN LÀM BÔNG VÀ NUÔI TRÁI SẦU RIÊNG

QUẢN LÝ ĐỌT GIAI ĐOẠN LÀM BÔNG VÀ NUÔI TRÁI SẦU RIÊNG

KỸ THUẬT XỬ LÝ CÂY ĐI ĐỌT TRONG GIAI ĐOẠN LÀM BÔNG LÀM TRÁI

Trong giai đoạn làm bông và nuôi trái non thì đi đọt là vấn đề gây nhiều nhức nhối cho nhà vườn. Trường hợp đi đọt cây sẽ xảy ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng. Ưu thế ngọn được phát huy do đó dinh dưỡng sẽ được tập trung nuôi đọt non dẫn đến tình trạng rụng bông và rụng trái non.

1. NGUYÊN LÝ ƯU THẾ NGỌN

Đối với cây trồng nói chung thì khi ra hoa và đậu trái non nếu xuất hiện đọt non sẽ gây ra hiện tượng rụng bông, khó đậu trái và rụng trái non. Một số trường hợp trái lớn mà đi đọt sẽ gây hiện tượng méo trái, khô múi (cây có múi), sượng trái...Đây chính là sự cạnh tranh dinh dưỡng mà ở đó nguyên lý “Ưu thế ngọn” của cây trồng được phát huy. Hiện tượng này được lý giải do lượng Auxin sản sinh và tập trung nhiều ở đỉnh sinh trưởng do đó sẽ ưu tiên phát triển đỉnh ngọn và hạn chế dinh dưỡng phát triển ở các vị trí xa đỉnh ngọn.

2. THỜI GIAN SINH TRƯỞNG – SINH SẢN

Trước tiên bà con cần nắm một số thông tin thời gian tự nhiên của cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa, đậu quả như sau:

- 1 cơi đọt sầu riêng từ khi lú đến khi bộ lá già thành thục là 50-60 ngày.

- Thời gian từ khi lú mắt cua đến khi xả nhị nằm từ 45 - 65 ngày.

- Thời gian trái đậu (sau 3 ngày nở hoa) đến khi thu hoạch từ 115 -120 ngày.

Tử mốc thời gian này, nhà vườn sẽ có hướng xử lý phù hợp theo thực trạng của cây trồng: Chặn đọt, kéo đọt hay dìu đọt.

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ

3/1. CHẶN ĐỌT

  • Đây là phương pháp xử lý được nhiều nhà vườn xử dụng do tính hiệu quả cao. Chặn đứng ngay sự phát triển của đọt non trong giai đoạn bông/trái non. Tuy nhiên biện pháp này sẽ làm suy cây, tốn thêm chi phí chăm sóc và phục hồi.
  • Thời điểm xử lý: Hoa chuẩn bị xả nhụy, cách nhận biết là khi hoa đạt 4-7 cm, bông dài đều và đít bông có xuất hiện màu vàng.
  • Cách xử lý: Thông thường sẽ xử dụng các loại Lân và kali cao phun khoảng 2-3 lần mỗi lần cách nhau 5 ngày cho đến khi cây dừng đi đọt. Hoặc một số loại thuốc xử lý đốt đọt, chặn đọt đã phối sẵn.

3/2. KÍCH ĐỌT/DÌU ĐỌT

  • Đây là phương pháp hiệu quả và tối ưu nhất, giúp cây không bị suy và làm mất cân bằng sinh lý của cây so với phương pháp chặn đọt. Theo thực tế thời điểm từ khi cây ra mắc cua đến khi xổ nhụy từ 1,5 – 2 tháng (45 - 65 ngày). Nhiệm vụ trong thời gian này là phải kích cho cây ra đọt nhanh chóng để đến khi xổ nhụy thì lá non đã già.
  • Thời điểm xử lý: Sau khi mắt cua ra hoàn toàn (sáng mắt cua) khi mắt cua sáng và đã đạt chiều dài 1 cm. Khi đã đã rõ ràng cây đã ra bông thì tiến hành xử lý:
  • Cách xử lý:

+ Khi cây bắt đầu nhú mắt cua thấy sáng rõ (tầm 1cm) thì bà con bón liền cho cây từ 0,5-1,5kg DAP tùy vào độ sung và tuổi của cây và tưới nước liên tục (5-10 ngày, càng ngắn càng tốt) cho phân tan và cây hấp thu tốt hơn.

+ Trên lá bà con vô phân có đạm cao chẳng hạn như là (35-5-5+5MgO) để kích nhú đọt nhanh. Hoặc các dòng kích đọt, kéo đọt trên thị trường. Nếu sau khi bón phân và tưới nước 7-10 ngày cây bắt đầu có dấu hiệu bung đọt thì đã xử lý thành công. Nếu không có dấu hiệu bung đọt thì phải quan sát để tiến hành chặn đọt.

+ Sau khi cây mở lá lụa, chúng ta sử dụng MKP hoặc Thi-Kaphos 2-3 lần mỗi lần 5-7 ngày để già hóa đọt non nhanh chóng.

Quy trình khiển đọt tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: khí hậu, thời tiết, sức cây, tình hình thực tế ở mỗi vườn mà linh hoạt xử lý khác nhau. Do đó nhà vườn cần theo sát tình hình thực tế về giàn lá, thời tiết… để có hướng xử lý phù hợp nhất.

Chúc nhà vườn đạt hiệu quả!

Thiên Uy Agri

Chat hỗ trợ
Chat ngay