Những lo ngại mới về dòng chảy phân bón thế giới

Những lo ngại mới về dòng chảy phân bón thế giới

Thị trường phân bón thế giới vốn đã gặp nhiều thách thức trong suốt 18 tháng qua đang tiếp tục phải hứng chịu thêm những áp lực mới từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

 
Nga và Belarus là hai nhà sản xuất phân bón lớn thế giới đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: DTN

Nga và Belarus là hai nhà sản xuất phân bón lớn thế giới đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: DTN

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phân bón quốc tế (TFI), mức độ khủng hoảng vì tắc nghẽn xuất phát từ cuộc xung đột Nga- Ukraine hiện vẫn còn là một ẩn số khó lường.

Trong bản tin giữa tuần này, TFI cho biết rất lo ngại về tình hình bất ổn đang xảy ra ở Ukraine bởi hành động quân sự của Nga cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ ảnh hưởng đến thị trường phân bón toàn cầu, trong khi 90% dòng chảy phân bón được tiêu thụ bên ngoài Mỹ.

Hiện Nga là nhà sản xuất amoniac, urê và kali lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất phốt phát chế biến lớn thứ năm. Nước này chiếm tới 23% thị trường xuất khẩu amoniac toàn cầu, tương tự là 14% urê, 21% kali và 10% phốt phát thành phẩm.

TFI cũng chỉ ra rằng, cuộc xung đột Nga- Ukraine sẽ gây căng thẳng và bất ổn trên thị trường năng lượng bởi Nga cung cấp khoảng 1/3 nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm.

Thông cáo mới cho biết: “Do sản lượng phân bón rất lớn của Nga và với vai trò là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới, việc loại bỏ hoạt động sản xuất của Nga khỏi thị trường toàn cầu sẽ tác động đến nguồn cung".

Biểu đồ theo dõi giá phân bón đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2019 đến nay ở khu vực châu Âu (đơn vị: USD/tấn). Nguồn: Green Markets/Bloomberg

Biểu đồ theo dõi giá phân bón đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2019 đến nay ở khu vực châu Âu (đơn vị: USD/tấn). Nguồn: Green Markets/Bloomberg

Trước đó trong một cuộc trao đổi vào sáng thứ Ba, nhà phân tích đầu vào trang trại RaboResearch, Samuel Taylor nói rằng mặc dù chúng ta không biết chính xác phân bón sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi cuộc xung đột này, nhưng có hai lĩnh vực rõ ràng: sản xuất và xuất khẩu phân bón đến từ khu vực chiến sự, chưa kể đến việc nơi đây còn là dòng chảy của khí tự nhiên.

Theo các chuyên gia, amoniac và kali là hai loại phân bón đang chịu nhiều rủi ro nhất, trong khi urê là một sản phẩm khô, có tính linh hoạt khi vận chuyển dễ hơn so với amoniac có cấu trúc rất phức tạp.

“Một trong những khó khăn lớn là amoniac được vận chuyển từ một đường ống từ Nga xuống Biển Đen hiện đã bị ngừng hoạt động vì đó là một đường ống thuộc sở hữu nhà nước Nga", ông Taylor cho biết, đồng thời tin rằng giá amoniac và kali có thể sẽ tiếp tục biến động giá lớn, bất chấp nhu cầu thời vụ đã giảm bớt.

Các chuyên gia nhận định, một số khu vực địa lý sẽ có mức độ “rủi ro” lớn hơn đối với các vấn đề phân bón toàn cầu hiện nay, trong đó Brazil đứng đầu danh sách. Trong khi khu vực Bắc Mỹ nhập khẩu khoảng 20% ​​lượng phân urê từ Nga, thì Brazil phải nhập khẩu tới 47% nguồn cung cấp kali từ Nga. Ngoài ra, khoảng 20% ​​lượng phân urê và 30% nguồn cung phân MAP của nước này cũng đến từ Nga.

Ngay từ khi nổ ra xung đột Nga- Ukraine, Brazil đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp phân urê thay thế, thậm chí được cho là đã tính đến các chương trình trao đổi hàng hóa đối lưu với chính phủ Iran.

Ông Taylor lưu ý rằng, một trong những sự phân nhánh tích cực trong chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu là Trung Quốc tái khởi động thị trường giao dịch phân urê và phốt phát. Trong khi Nga chiếm 14% thì Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​tổng lượng phân urê xuất khẩu toàn cầu, và điều này có thể sẽ là một nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường phân urê.

Báo cáo phân tích các tác động của cuộc xung đột hiện nay và các lệnh trừng phạt đối với cả Nga và Belarus của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), hiện Belarus và Nga chiếm khoảng 15% tổng lượng phân bón thế giới. Theo đó châu Âu, bao gồm cả Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên liệu đầu vào như kali từ hai quốc gia này.

David Laborde Debucquet, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại IFPRI cho biết: "Từ Trung Đông tới Ấn Độ và thậm chí Brazil vẫn phụ thuộc một phần đáng kể phân kali từ khu vực này. Bởi vậy, đó sẽ là một tác động toàn cầu".

Một máy phun phân bón ở Piace, Pháp. Ảnh: AFP

Một máy phun phân bón ở Piace, Pháp. Ảnh: AFP

Trên thực tế, Canada là một nhà cung cấp kali lớn nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất là điều không hề dễ dàng do các hoạt động khai thác nguyên liệu không thể nhanh được. Do đó trong ngắn hạn sẽ có thể chứng kiến sự khủng hoảng thiếu phân kali ở nhiều nơi, không riêng chỉ ở châu Âu.

Ngay tại Ukraine, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng phụ thuộc tới 90% lượng kali đến từ Nga và Belarus. Ngoài ra châu Âu cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào Nga về khí đốt tự nhiên, đây cũng là lý do chính khiến EU không đưa ra bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các thị trường năng lượng.

"Giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu dẫn đến giá phân đạm cao. Đây là một vấn đề đối với nông dân châu Âu nhưng (nó) cũng là vấn đề đối với nông dân toàn cầu, và đặc biệt là những quốc gia dựa vào châu Âu để nhập khẩu rất nhiều hàng hóa nông sản của họ", ông Debucquet nói.

Các nước xuất khẩu lớn như Mỹ, các nước thành viên EU, Australia là những nhân tố lớn có ảnh hưởng trên thị trường thế giới dự báo sẽ bị tác động mạnh bởi giá nguyên liệu đầu vào cao.

Joe Glauber, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và là thành viên nghiên cứu cấp cao của IFPRI cho biết: “Khi giá các loại vật tư đầu vào (phân bón) cao thì các nhà sản xuất cũng sẽ phải tăng giá bán sản phẩm đầu ra cao, và đó chính là những gì chúng ta đang thấy khi giá ngũ cốc và giá cả các loại hạt có dầu đang ở mức kỷ lục”.

Kim Long

(DTN/Bloomberg)

 

Chat hỗ trợ
Chat ngay