Khi sử dụng thuốc trừ sâu, cần ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc nhanh phân huỷ, vừa có tiêu diệt sâu hại nhưng không/hoặc ít ảnh hưởng tới thiên địch.
Thiên địch là những loài côn trùng, nhện hoặc các loài động vật khác dùng sâu hại làm thức ăn để sinh trưởng, phát triển và hoàn thành vòng đời của mình. Vì vậy, thiên địch là những loài có lợi, giúp người làm vườn tiêu diệt sâu hại, góp phần giữ ổn định và tăng năng suất cây trồng nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng. Từ đó, thiên địch góp phần làm giảm chi phí đầu tư do tiết kiệm lượng thuốc trừ sâu, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây và hạn chế dư lượng của các nhóm thuốc trừ sâu trong các sản phẩm của cây ăn quả có múi.
Cần chú trọng việc bảo vệ, phát triển thiên địch trong vườn cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi. Ảnh: Văn Phú.
Các loài thiên địch chủ yếu thường gặp trong vườn cây ăn quả có múi gồm: Bọ rùa đỏ, bọ rùa vằn ăn rệp (còn gọi là bọ rùa vằn), ruồi ăn sâu, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, nhện lưới, ong ký sinh trứng và ký sinh sâu non của sâu hại... Thiên địch cũng cần có môi trường sống (nơi trú ngụ, nguồn thức ăn và các yếu tố sinh thái khác...) phù hợp với từng loài. Căn cứ vào cơ sở đó, biện pháp bảo vệ, bảo tồn thiên địch trong vườn cây ăn quả có múi phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Ở một số vườn cây ăn quả, khi mật độ sâu hại thấp (nguồn thức ăn không đủ cho thiên địch), hoặc để hấp dẫn thiên địch tới vườn cây, có thể dùng một số loài thực phẩm thừa như lòng gà, vịt, trâu bò... treo trên cây để hấp dẫn kiến vàng đến sinh sống và làm tổ.
Cần dành một phần diện tích trong vườn cây, hoặc trồng xen cây ăn quả với một số loài cây có tác dụng làm nơi trú ngụ cho thiên địch như ổi, xoài... Không nên rẫy cỏ trắng gốc mà nên giữ lại một phần cỏ dại trong vườn, vừa có tác dụng làm mát đất, hạn chế rửa trôi đất, vừa có tác dụng giữa ẩm và làm nơi trú ngụ cho thiên địch như cỏ trái nổ, cỏ cứt lợn, cỏ sữa lông, cỏ mần trầu... Cũng có thể tạo một số cọng rơm nhỏ cheo trên cây để cho thiên địch làm tổ và cư trú.
Đa số các loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng hiện nay đều rất độc đối với các loài thiên địch. Việc sử dụng thuốc trừ sâu làm chết thiên địch, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nhanh mật độ sâu hại.
Kiến vàng là một trong những loài thiên địch rất "lợi hại" trong việc tiêu diệt sâu hại. Ảnh: ST.
Khi không có thiên địch, hoặc thiên địch ở mật độ thấp thì quần thể sâu hại có thể tăng nhanh mật độ và bùng phát thành dịch trong thời gian ngắn, nhất là trong điều kiện thức ăn của sâu hại (là cây trồng) đầy đủ do quá trình thâm canh của con người tạo nên. Vòng đời của đa số các loài thiên địch dài hơn so với sâu hại, vì vậy khi sử dụng liên tục thuốc trừ sâu trong vườn cây ăn quả, sẽ huỷ diệt thiên địch, và để phục hồi lại mật độ thiên địch như ban đầu cần đòi hỏi một thời gian dài (hàng vụ hoặc hàng năm).
Do đó, thuốc trừ sâu chỉ nên sử dụng khi không còn biện pháp nào khống chế được sâu hại và chỉ nên dùng khi thật cần thiết. Không nên phun thuốc trừ sâu bệnh tràn lan trên cả vườn mà chỉ nên phun tập trung đối với những cây có mật độ sâu hại cao. Ngay trên cùng một cây cũng chỉ nên tập trung phun vào những chỗ bị nặng (như ổ rệp, chùm lá, chùm quả bị nhiễm sâu bệnh....).
Khi sử dụng thuốc trừ sâu, phải dùng thuốc có tính chọn lọc, nên ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc nhanh phân huỷ, vừa có tác dụng tiêu diệt sâu hại nhưng không/hoặc ít ảnh hưởng tới thiên địch, con người và môi trường. Ví dụ, trong vườn cây ăn quả có múi có thể dùng dầu khoáng để tiêu diệt nhiều loài sâu hại như rệp, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng..., nhưng rất ít ảnh hưởng tới các loài thiên địch trong vườn.
Hiện nay, nhiều nhà vườn đã rất chú trọng bảo vệ, nhuân nuôi thiên địch để kiểm soát sâu hại. Ảnh: Minh Hậu.
Ở nhiều nước trên thế giới, có các trung tâm nhân nuôi thiên địch, sau đó thả vào trong vườn cây ăn quả. Tại các vùng trồng cây ăn quả có múi, chủ vườn có thể đi bắt các tổ kiến vàng ở nơi khác rồi treo trong vườn cây. Cũng có thể buộc các sợi dây giữa các cây để cho kiến vàng di chuyển hoặc treo thức ăn để hấp dẫn các loài kiến vàng từ nơi khác đến.
Nếu thực hiện tốt các biện pháp trên, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái vườn cây ăn quả có múi bền vững, ít hoặc không xảy ra dịch sâu hại, tiết kiệm được các loại thuốc trừ sâu, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi an toàn cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đây cũng chính là tiền đề nhằm tạo ra một nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn và bền vững đối với các loài cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi.
Phạm Văn Phú