Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất vùng ĐBSCL, trong đó nổi tiếng với giống xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc, tuy nhiên lượng xoài xuất khẩu còn rất khiêm tốn.
Xuất khẩu còn khiêm tốn
ĐBSCL hiện có hơn 47.000ha xoài các loại, chiếm 48% trong tổng diện tích 87.000ha xoài của cả nước. Việt Nam hiện có diện tích trồng xoài đứng 13 trên thế giới. Sản lượng xoài đạt trên 893 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, xoài Việt Nam có một số giống xoài đặc trưng thơm ngon độc đáo của miền nhiệt đới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, danh tiếng xoài Cao Lãnh. Ảnh: Hữu Đức.
Tuy vậy, trước sản lượng xoài mỗi năm khá lớn nhưng công nghiệp chế biến thực phẩm trong nước từ mặt hàng xoài chưa nhiều. Phần lớn xoài tươi tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 84%. Tổng kim ngạch xuất khẩu xoài mỗi năm khoảng trên 180 triệu USD.
Những năm gần đây, cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, xoài Việt Nam bắt đầu tiếp cận, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường một số nước châu Âu, Mỹ… có giá trị cao hơn. Năm 2019, xoài tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) đánh dấu bước ngoặt xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đầu năm 2022, tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu 3 tấn xoài Cát Chu sang châu Âu.
Bất kể trải qua một năm 2021 dịch Covid-19 hoành hành, theo Cục BVTV, năm 2021 riêng mặt hàng xoài xuất khẩu đạt gần 600.000 tấn, tăng 42% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng xuất sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần, từ 215 tấn năm 2020 tăng lên 640 tấn năm 2021. Xoài xuất sang Hàn Quốc tăng 130% sản lượng...
Đến nay, mặt hàng xoài tươi đã xuất khẩu sang 22 nước, chiếm nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc. Còn các sản phẩm chế biến từ xoài xuất sang thị trường 53 nước. Mặc dù vậy, riêng vùng ĐBSCL có trên 567.000 tấn xoài/năm nhưng lượng xoài tươi xuất khẩu rất ít. Các thị trường khó tính có một số yêu cầu riêng về việc truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... nên lượng xoài quả tươi xuất khẩu còn nhiều hạn chế.
Vừa qua, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã tổ chức thành công lễ hội xoài năm 2022. Những năm qua, diện tích xoài Đồng Tháp trồng chuyên canh đã tăng lên trên 9.200ha, lớn nhất vùng ĐBSCL. Xoài Cao Lãnh nổi tiếng với nhiều giống xoài ngon có hương vị đặc trưng, nhất là xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu. Riêng huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh chiếm 70% diện tích trồng xoài toàn tỉnh, sản lượng hàng năm khoảng trên 70.000 tấn.
Sản phẩm xoài tươi và xoài chế biến của một nhà vườn ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Hữu Đức.
Sau gần 5 năm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xoài xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp, tạo dựng được hình ảnh sản phẩm xoài xuất khẩu ổn định sang các nước châu Âu, Nga, Nhật Bản…, ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty Việt Đức đánh giá, xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu được thị trường công nhận phẩm chất thơm ngon vượt trội. Hiện nay Công ty Việt Đức xuất khẩu sản phẩm xoài qua chế biến sang thị trường Nga bình quân 24 container/tháng. Thị trường một số nước EU và Nhật Bản nhu cầu rất lớn, giá tốt nhưng luôn đặt yêu cầu cao về chất lượng. Trong khi thị trường Đức rất cần mua sản phẩm xoài organic với giá cao.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay ĐBSCL có 271 vùng trồng được cấp mã số; 1.789ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phục vụ xuất khẩu; có 98 doanh nghiệp đóng gói, chế biến, trong đó có 15 doanh nghiệp sơ chế, chế biến xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành 8 HTX, 37 tổ hợp tác và 23 hội quán nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn trên 1.000ha với hơn 10 doanh nghiệp.