Tương tự, chị Nguyễn Thị Mỳ ở xã Hưng Phước cũng không giấu được sự vui mừng khi giá tiêu đã khởi sắc sau nhiều năm tuột dốc không phanh. “Tiêu năm nay được giá hơn năm ngoái nhiều đã giúp người trồng tiêu vơi bớt gánh nặng trong việc chi trả phân bón, nhân công… Bà con trồng tiêu ai ai cũng phấn khởi, không còn lo thu không bù chi như năm trước”, chị Mỳ chia sẻ.
Bên cạnh thuê nhân công, chị Mỳ còn đầu tư lưới trải góc để tận thu tối đa sản lượng hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Theo chị Mỳ, trong thời giá thấp, chị đã nuôi thêm đàn dê để tận dụng phụ phẩm thức ăn từ lá cây trụ sống cải thiện thu nhập. Hiện đàn dê của gia đình chị luôn duy trì từ 40 đến 50 con, giúp gia đình cân bằng thu nhập, bám trụ đầu tư 2.000 trụ tiêu cho đến nay.
Không mở rộng diện tích
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, toàn huyện có 4.489 ha, những năm gần đây do dịch bệnh và giá tiêu liên tục xuống thấp, diện tích hồ tiêu tại địa phương hiện đã giảm hơn 50%. Trước tình hình giá tiêu khởi sắc, ngành nông nghiệp địa phương cũng đưa ra khuyến cáo giúp người trồng tiêu ổn định sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, cây hồ tiêu không giống như cây trồng khác, để giữ vườn thực sự ổn định, lâu dài đòi hỏi nhà nông phải có kiến thức trồng và yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe.
Dù giá tiêu khởi sắc, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích canh tác. Ảnh: Trần Trung.
“Trong những năm vừa qua, giá hồ tiêu thấp nên sự tập trung và chú trọng đầu tư của người dân là rất ít. Tuy nhiên, do có kỹ thuật tốt nên một số hộ vẫn giữ vườn tiêu khá đẹp, năng suất vẫn tương đối cao. Bên cạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm còn vận động bà con nên chuyển đổi những vườn tiêu nào kém hiệu quả sang cây ăn quả, các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, hoặc trồng tạm thời một số cây ngắn ngày để tái canh lại cây tiêu”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, với diện tích gần 15.900 ha. Phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.
“Trước tình hình giá tiêu dần phục hồi, địa phương khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích để đảm bảo quy hoạch. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "nông nghiệp sạch", xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao... giúp người trồng tiêu “sống khỏe” với cây tiêu” bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết.