Năm nay các loại trái cây đều cho năng suất cao và có đầu ra ổn định vì được liên kết với thương lái và doanh nghiệp, nông dân rất yên tâm ở khâu này.
Tại ĐBSCL, nhiều loại trái cây đã vào mùa chín rộ. Dọc theo các tuyến đường giao thông tại TP Cần Thơ nhiều loại trái cây đặc sản được bày bán trên sạp như sầu riêng, mít, xoài, mận, cam…
Thị trường trong và ngoài nước đều thuận lợi
Theo các thương lái, đang vào vụ nên nhiều loại trái cây có giá thấp. Cây xoài đã vào cuối vụ thu hoạch nhưng năm nay giá khá thấp so mọi năm. Hiện xoài cát hòa lộc giá bán tại vườn 20.000 - 25.000 đồng/kg; xoài cát chu giá trung bình 10.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 5.000 đồng/kg...
Giá chanh và cam hiện ở mức từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, doanh thu mang lại cho nhà vườn từ 110 - 130 triệu đồng/ha. Giá bưởi ở mức 20.000 đồng/kg, sản lượng trung bình 15 tấn trái/ha, cho doanh thu lên đến 300 triệu đồng.
Sầu riêng là loại cây trồng có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Dù giá có thấp hơn so với mọi năm nhưng đầu ra nhiều mặt hàng tương đối thuận lợi do có thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Sầu riêng là loại cây trồng có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Xuyên suốt mùa dịch Covid-19 sầu riêng là một trong số ít trái cây giữ được giá ổn định nhờ tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước.
Mới đây, vườn trồng giống sầu riêng Ri 6 của anh Nguyễn Văn Kiệt ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện phong Điền, TP Cần Thơ hiện đã hơn 10 năm tuổi cho thu hoạch gần 1,7 tấn.
Anh Kiệt bán giá 55.000 đồng/kg cho thương lái vào tận vườn thu mua bán vào các hệ thống siêu thị. Theo tính toán vụ này anh Kiệt lãi trên 70 triệu đồng, cao hơn vụ trước 15 - 20%.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV TP Cần Thơ, cho biết, Cần Thơ có hơn 23.500ha cây ăn trái các loại đang bước vào vụ thu hoạch. Theo đánh giá, năm nay các loại trái cây đều cho năng suất cao và có đầu ra ổn định vì được liên kết với thương lái và doanh nghiệp, nông dân rất yên tâm ở khâu này. Thông thường khi vào vụ rộ một số mặt hàng trái cây bị giảm giá nhưng không ảnh lớn về mặt lợi nhuận của bà con nông dân.
Tại Hậu Giang, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: “Hiện tại, diện tích sầu riêng đang vào mùa vụ thu hoạch rộ, giá bán tương đối tốt và mang lại giá trị kinh tế khá cao. Toàn tỉnh có diện tích vườn sầu riêng là 1.344ha, trong đó có khoảng gần 50% diện tích cây đang cho trái thu hoạch, sản lượng ước gần 9.000 tấn.
Trung bình 1ha sầu riêng nhà vườn thu hoạch được khoảng 16 tấn trái, giá bán đang dao động quanh mức 40.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế trên 600 triệu đồng mỗi ha”, ông Bạch Văn Sơn nói.
Cũng theo ông Bạch Văn Sơn, toàn tỉnh Hậu Giang có diện tích cây ăn trái là 43.810ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 32.313ha, sản lượng cả năm ước đạt 540.000 tấn. Những loại cây có giá trị kinh tế cao, được nông dân tập trung trồng nhiều và đang cho thu hoạch rộ như cam, xoài, chanh, bưởi, sầu riêng…
Bí quyết: Rải vụ, liên kết sản xuất và nâng cao chất lượng
Để thích nghi với tình hình tiêu thụ của thị trường, hiện nay, bà con nông dân ở ĐBSCL đã thực hiện rải vụ, giãn vụ nên sản lượng trái cây không còn tập trung ồ ạt như trước nữa. Đối với hai loại trái cây khó tiêu thụ nhất là mít Thái và thanh long, ở thời điểm này, giá cả cũng có phần nhỉnh hơn trước.
Ông Võ Văn Tư Em - chủ doanh nghiệp thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Do thời điểm trước khó tiêu thụ nên bà con ít xông đèn và bây giờ thời điểm hàng mùa (ra trái tự nhiên) nên sản lượng không nhiều. Khoảng 20 ngày nay giá thanh long ổn định ở mức trên 10.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc gặp khó, tôi chuyển sang thị trường nội địa”.
Giá chanh và cam hiện ở mức từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại Hậu Giang, trái cây của tỉnh này không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn có nhiều diện tích trồng đạt các chứng nhận quốc tế, được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) là đơn vị tiên phong liên kết với xã viên và nông dân chuyên trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Hiện đơn vị này có vùng nguyên liệu 320ha, chuyên sản xuất chanh không hạt và bưởi Năm Roi phục vụ xuất khẩu.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, ông Trần Bá Sơn thì những tháng đầu năm nay đơn vị sản xuất, sơ chế và xuất khẩu trái cây khá tốt, thị trường đầu ra ổn định, sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Qua hơn 4 tháng, đơn vị đã xuất được 2.500 tấn chanh và bưởi theo đơn đặt của các đầu mối tiêu thụ ở các nước châu Âu. Các đối tác không chỉ yêu cầu mặt hàng trái cây được trồng đạt các tiêu chuẩn theo quy định mà còn phải có hàng cung cấp liên tục trong năm, không bị đứt gãy đơn hàng. Giải pháp Hợp tác xã (HTX) Trái cây sinh học OCOP đưa ra để đáp ứng nhu cầu là xử lý cho trái rải vụ, chứ không tập trung theo mùa.
Mít Thái đang được bà con nông dân chủ động rải vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn thì cái khó hiện nay trong xuất khẩu trái cây đi châu Âu chính là giá cước vận chuyển đường biển đang ở mức rất cao. Giá cước vận chuyển đã tăng mạnh từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế. Và mức tăng này đến nay vẫn chưa chịu giảm, trở lại mức bình thường như trước dịch. Điều này làm cho lợi nhuận xuất khẩu trái cây đạt không như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc siết chặt quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản sang nước bạn gặp rất nhiều khó khăn, tăng cả về thời gian và các chi phí phát sinh.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đang gặp một số khó khăn như thời gian chờ đợi ở cửa khẩu khá lâu trái cây bị hỏng; thuê xe đầu kéo của Trung Quốc ảnh hưởng đến chất lượng hàng, chuyển sang đi đường thủy hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều… Từ đó, giá cả trái cây xuống thấp, nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều loại trái cây tiêu thụ tốt tại trường trong nước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 85.000ha. Một số cây trồng chủ lực của địa phương như: sầu riêng, thanh long, mít, khóm…
Theo Võ Văn Men - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Tiền Giang: "Để tiêu thụ thuận lợi hơn, chỉ có cách là rải vụ đều hơn nữa và tìm nhiều thị trường. Chủ trương của tỉnh là không phát triển diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để tiêu thụ được thuận lợi hơn”.
Cũng theo ông Men, từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xác định 3 loại trái cây chủ lực của tỉnh là sầu riêng, thanh long và mít. Tỉnh xây dựng 3 hợp tác xã chủ lực để liên kết nông dân sản xuất theo quy trình và nâng cao chất lượng. Đó là HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX mít Mỹ Lợi A, HTX thanh long Hưng Thịnh Phát. Tại các HTX, tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, kiểm soát vật tư phục vụ sản xuất sạch và hướng bà con nông dân vào quy trình canh tác đồng bộ.
MINH ĐẢM - Đ.T. CHÁNH - LÊ HOÀNG VŨ
<div class="adv adv80" "="" style="margin: 10px 0px 20px; padding: 0px; box-sizing: border-box; text-align: center; max-width: 100%; overflow: hidden; color: rgb(33, 37, 41); font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 14px; min-height: 168px;">