Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm giá thành nông sản bị sụt giảm, cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao đã đè lên đôi vai của người nông dân. Ngoài ra, người nông dân còn phải gánh thêm rủi ro khi mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng chủ yếu diễn ra tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt. Đối với phân bón, phần lớn các trường hợp vi phạm về vấn đề kinh doanh, sản xuất phân bón dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nhiều cơ sở vi phạm về nội dung công bố hợp quy. Đối với thuốc BVTV, phần lớn các trường hợp vi phạm về chất lượng; kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng; buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV giả, nhập lậu.
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả: Nỗi lo của người nông dân
Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia Đỗ Ngọc Cảnh cho biết, phương thức hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng hiện nay rất tinh vi. Những đối tượng này lợi dụng quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét vào phân bón để tăng khối lượng sản phẩm. Thậm chí, đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác. Nhiều trường hợp ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng. Một số đơn vị sản xuất bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng lại ký hợp đồng thỏa thuận gửi kho nhằm trốn thuế và lợi dụng kẽ hở này tiêu thụ sản phẩm phân bón kém chất lượng.
Mặt khác, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên các địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, tinh vi gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn còn chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của nhiều quần chúng nhân dân, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu hoặc tham gia vận chuyển phân bón, thuốc BVTV ở các địa bàn biên giới…
Vì vậy việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cần được để cao nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng. Song song đó, phát động nhân dân phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xảy ra thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được phép sử dụng và công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng rất lớn, khiến cho người nông dân rất khó lựa chọn và là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính. Do đó, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người nông dân cần cập nhật, nắm bắt thông tin từ các phương tiện truyền thông, khuyến cáo từ các ngành chức năng; đồng thời tích cực tố giác các hành vi vi phạm, để chất lượng sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, kinh tế được phát triển bền vững.
Hà Vân