Số phận cây cam ở Nghệ An: 'Phú quý giật lùi'

Số phận cây cam ở Nghệ An: 'Phú quý giật lùi'

Những vùng cam ở Nghệ An hiện đang đứng bên bờ vực bị 'xóa sổ'. Nông dân thua lỗ đã đành, đến các doanh nghiệp lắm tiền nhiều của cũng chịu chung số phận.

 

Empty

Nhiều vùng cam bị nhiễm bệnh trên địa bàn Nghệ An phải chặt bỏ trong thời gian qua. Ảnh: Quốc Toản.

Những vùng cam bên bờ vực thẳm

Bài liên quan
 

Giai đoạn 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ nghề trồng cam tại Nghệ An lại thê thảm đến vậy. Hàng loạt vấn đề bức bí thi nhau bủa vây nhưng địa phương này không tài nào tìm ra lời giải triệt để, sự thể ngày một cam go khiến đại bộ phận trồng cam bất an, hoang mang tột độ.

Bám sát lộ trình phát triển của cây cam trên đất Nghệ An mới thấy xót xa, thời hoàng kim đã quá xa vời. Ngược thời gian, cây cam có lịch sử phát triển khá lâu đời, được trồng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lợi nhuận thu về góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Theo “Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030”, tỉnh đặt ra mục tiêu nhân rộng diện tích trồng cam tới năm 2025 đạt 6.100ha, đến năm 2030 đạt 8.645ha.

Đưa ra để thấy cây cam có vị thế quan trọng ra sao trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh Nghệ An. Dù vậy, lý thuyết là một nhẽ, thực tế đôi khi lại rẽ sang hướng khác, với cây cam, càng kỳ vọng càng thất vọng não nề, giờ đây niềm tin đã trôi theo bọt nước.

Empty

Cây cam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, tuy nhiên đó là câu chuyện của quá khứ. Ảnh: Việt Khánh.

Qua khảo sát cho thấy diện tích trồng mới cũng như ở thời kỳ kinh doanh giảm mạnh, nhiều vùng trồng truyền thống đang suy thoái trầm trọng. Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 5.464ha cam, giảm 692ha so với năm 2018. Đến đầu năm 2021, con số này là 4.702ha (kiến thiết cơ bản 1.251ha, kinh doanh 3.450ha).

Tính ra, tổng diện tích buộc phải chặt bỏ từ cuối 2020 – 2021 là hơn 614ha, khoảng 283ha hết chu kỳ kinh doanh, hơn 340ha còn lại bị sâu bệnh gây hại nặng. Tình hình chung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đến tháng 1/2023, tại 10 huyện, thị chuyên trồng cam ghi nhận quy mô thực tế chỉ dao động ở mức 2.200 – 2.500ha mà thôi.

Nhưng con số thống kê không biết nói dối, trái lại còn chứng minh rõ nét thực trạng khốn khó của nghề trồng cam tại Nghệ An. Tiến hành kiểm tra các vườn cam trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, có đến 24,1% diện tích phát triển trung bình; 6,2% phát triển kém (nhiều khả năng phải phá bỏ trước khi vào kỳ kinh doanh). Đối với diện tích cam kinh doanh còn tệ hơn nhiều khi chỉ có 52,7% phát triển tốt; 31% phát triển trung bình; 15,8% có nguy cơ bị chặt bỏ trong 1 – 2 năm tới.

Riêng tại các vùng cam có tiếng tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông…, có trên 80% diện tích cam kinh doanh, trên 50% diện tích cam kiến thiết cơ bản có biểu hiện suy thoái, chất lượng cam suy giảm thấy rõ, nhiều vùng trồng nguy cơ cao phải chặt bỏ trong ngắn hạn.

Empty

Diện tích cam suy thoái ngày một tăng nhanh, nông dân trồng cam thực sự điêu đứng. Ảnh: Việt Khánh.

Đa phần các chuyên gia trong ngành đều nhận định thực trạng suy thoái cây cam tại Nghệ An lúc này thực sự đáng báo động, ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng cũng như thương hiệu Cam Vinh được dày công gầy dựng.

Nhằm ngăn chặn đà suy thoái của cây cam, Nghệ An xác định phải tập trung quản lý; đầu tư, chăm sóc diện tích chưa bị suy thoái; tổ chức cải tạo, phục hồi những vườn cam suy thoái nhẹ và trung bình; quy hoạch lại vùng trồng; áp dụng rộng rãi tiến bộ KH-CN, triển khai theo hướng nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Doanh nghiệp đầu tư không tiếc tay vẫn thất bại

Tại các vùng trồng trên địa bàn Nghệ An cơ bản có sự hiện diện của 4 giống cam chính là Xã Đoài, Vân Du, Valencia, March (chiếm khoảng 95% diện tích cam hiện có).

Tất cả những thông số căn bản xoay quanh cây cam tại Nghệ An đều có chiều hướng thụt lùi trầm trọng. Thông thường cây cam cho năng suất ổn định và đạt đỉnh trong giai đoạn 8 – 12 năm tuổi, cơ bản phải cao hơn so với giai đoạn 4 – 7 năm tuổi. Thế nhưng trong năm 2022, năng suất cam trung bình của lứa 8 -12 năm chỉ đạt 9,7 tấn/ha, riêng 2 huyện Nghi Lộc và Tân Kỳ chỉ đạt lần lượt 5,5 tấn/ha và 4,7 tấn/ha.

Cây cam ở độ 4 – 7 năm tuổi mới bắt đầu cho thu hoạch, cần duy trì ổn định 2 – 3 năm trở lên (tương đương 6 – 7 năm tuổi) mới bù trừ phần nào chi phí đã đầu tư trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và chớm kinh doanh. Tuy nhiên do tỷ lệ cam bị suy thoái ở thời kỳ kinh doanh quá cao (chiếm 69,6%) nên hầu hết diện tích trồng cam của Nghệ An chưa mang lại lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng nề.

Empty

Với tình cảnh hiện nay, quá khó để vực dậy vị thế của thương hiệu Cam Vinh. Ảnh: Quốc Toản.

Rất nhiều nguyên nhân đã được nêu ra, trọng tâm là giống, kỹ thuật canh tác và dịch bệnh gây hại. Với tình cảnh hiện tại, quá khó để vực dậy thương hiệu Cam Vinh, e rằng phải rất nhiều năm nữa nghề trồng cam tại Nghệ An mới có thể hồi sinh và trở lại đúng với vị thế đã từng xác lập.

Dân trong nghề thừa nhận gặp quá nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phát triển cây trồng có múi, đặc biệt là cây cam. Để thành công đòi hỏi trình độ, kiến thức dạn dày và tiềm lực kinh tế vững vàng. Không chỉ nhà nông chân lấm tay bùn nếm trải thất bại thảm hại, đến cả những doanh nghiệp tiềm năng, những người lắm của nhiều tiền có thừa đam mê, nhiệt huyết cũng chịu chung số phận. Từ thực tế đó, khẳng định nghề trồng cam tại Nghệ An đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Rõ hơn cả là diễn biến tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ, nơi ông Nguyễn Giang Hoài làm Chủ tịch HĐQT. Ông Hoài là người có tiếng nói trong giới doanh nghiệp Nghệ An, có đam mê mãnh liệt cho cây trồng có múi, việc ông rót tiền đầu tư chưa hẳn vì lợi ích kinh tế, sâu xa hơn muốn nâng tầm và tạo ra bản sắc riêng cho vùng Phủ Quỳ cũng như toàn tỉnh.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, ông Hoài đã quyết định đầu tư, xây dựng 2 hệ thống trang trại ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 40ha, 1 ở xã Minh Hợp, 1 ở xã Châu Đình (huyện Quỳ Hợp). Trên quỹ đất này ông Hoài trồng cam, trồng bưởi Phúc Kiến, đặc biệt là quýt Jeju với mật độ 1.600 cây/ha. Bước đầu ông còn thuê cả chuyên gia Trung Quốc và một số nước khác cùng thực hiện, cất công mời gọi cả kỹ sư nông nghiệp giàu kinh nghiệm về quán xuyến, đi kèm với đó là hệ thống trang thiết bị tiên tiến bậc nhất, tất cả hướng đến mục tiêu "hóa rồng" cho cây cam.

Những người trong nghề quả quyết “không ai có quyết tâm, không ai có ý chí như ông Nguyễn Giang Hoài", nhân công, nhân lực chẳng tiếc gì. Tưởng như tiềm lực tài chính vững vàng kết hợp với đam mê mãnh liệt là công thức bảo đảm cho thắng lợi, có điều sự thể không giản đơn như vậy.

Empty

TS Lê Văn Khánh đã có những chia sẻ thẳng thắn về thực trạng cây cam trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của NNVN, hiện trang trại ở xã Minh Hợp đã bỏ hoàn toàn, chuyển hướng sang trồng các loại cây ngắn ngày (chủ yếu trồng ngô), trong khi ở Châu Đình cũng bỏ đến phân nửa số cây. Lý giải nguyên nhân, TS Lê Văn Khánh nhìn nhận:

“Chất lượng đầu vào rất tốt, tiếc là triển khai trong bối cảnh môi trường không đảm bảo, kết hợp kỹ thuật canh tác ban đầu chưa tốt, mật độ trồng quá dày nên không phát huy được giá trị như mong muốn. Về yếu tố khách quan, thấy rằng địa hình trang trại tại Châu Đình quá bằng phẳng, đồng nghĩa độ thoát nước kém, cây dễ bị ngập úng, gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Dù đã tiến hành làm mương, đào rãnh khắc phục nhưng không cải thiện được nhiều.

Đặc biệt, dù đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới, tiên tiến để phòng bệnh Greening song đến giai đoạn quả cam "lên đường" thì không huy động được nội sinh nên rụng rất nhiều, buộc phải chấp nhận phá bỏ. Đưa ra một lát cắt điển hình để thấy việc phát triển cây ăn quả có múi trên đất Nghệ An, đặc biệt là cây cam thời điểm này thực sự quá khó khăn.

“Giai đoạn này, những vùng bị dịch bệnh nặng và lây lan bệnh Greening chắc chắn không thể trồng mới. Có những đơn vị đầu tư không tiếc tay, kiểm soát từ A đến Z, sẵn sàng mời gọi những chuyên gia hàng đầu về trợ lực nhưng tình hình chỉ ổn định trong khoảng 3 năm đầu, từ năm thứ 4 trở đi, cây cam vẫn suy thoái trầm trọng”, TS Lê Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH-CN Nghệ An), người thực hiện cải tạo, phục hồi cây ăn quả có múi suy thoái thừa nhận.

Việt Khánh - Quốc Toản
Chat hỗ trợ
Chat ngay