Đối với thị trường trong nước, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, Bình Thuận sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TP. HCM và các tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên...
Ngoài phục vụ thị trường xuất khẩu, thanh long Bình Thuận cũng sẽ chú trọng thị trường trong nước. Ảnh: KS.
Cùng với giải phép trên, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thanh long “sạch”, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ thanh long để phát triển bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị cho thanh long Bình Thuận, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và tạo thị phần ổn định trên thị trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và năng lực cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận trong thời gian tới, Sở Công Thương Bình Thuận kiến nghị bộ, ngành trung ương tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình thị trường, giá cả, chính sách pháp luật, rào cản kỹ thuật trong thương mại, các khuyến cáo từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm cũng như kinh nghiệm phát triển thị trường tiềm năng nhằm giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận tìm được đối tác để phát triển, mở rộng thị trường và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Gấp rút mở rộng thị trường Nhật Bản và Ấn Độ
Tháng 10/2021, Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Như vậy, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ, thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Bình Thuận hiện thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích lên đến 33.750 ha, sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn/năm. Ảnh: KS.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.
Đối với Ấn Độ với số dân gần 1,4 tỷ người, đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn. Trong đó trái thanh long nằm trong top 10 trái cây tươi được tiêu thụ nhiều ở nước này với mức tăng trưởng 27% hàng năm.
Về thị trường này, theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức đoàn công tác đi Ấn Độ tổ chức hội thảo xúc tiến tiêu thụ thanh long tại thủ đô New Delhi để quảng bá, giới thiệu thanh long Bình Thuận. Cùng với đó, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bình Thuận với doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường này.
Tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng tiêu thu thanh long sang thị trường Nhật Bản và Ấn Độ. Ảnh: LK.
Từ đó, kết quả thu về rất khả quan, cụ thể nếu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang Ấn Độ chỉ đạt 316.400 USD, thì năm 2018 lên đến 452.100 USD và năm 2019 đã tăng lên 842.800 USD (tăng bình quân 64%/năm).
Trong năm 2020, nhằm giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển mở rộng thêm thị trường Ấn Độ và Pakistan, Sở Công thương Bình Thuận đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại thống nhất việc phối hợp tổ chức đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đi khảo sát thị trường, xúc tiến tiêu thụ thanh long. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên chương trình không thực hiện được và đã chuyển sang hình thức kết nối trực tuyến.
“Nhật Bản và Ấn Độ là 2 thị trường tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh các thị trường khác, Sở Công thương Bình Thuận sẽ quan tâm, tập trung phát triển và mở rộng 2 thị trường này để tiêu thụ thanh long”, ông Tài chia sẻ và cho biết thêm, để mở rộng vào 2 thị trường này, Sở Công thương Bình Thuận sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Ấn Độ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thông tin kịp thời về tình hình thị trường cũng như các chủ trương, chính sách xuất nhập khẩu mới của Nhật Bản và Ấn Độ để phổ biến đến doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Bình Thuận lâu dài, góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận lưu ý: Để hạn chế phụ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước trong thời gian tới (bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp) để kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, chú trọng khách hàng trong nước, quan tâm đến nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng ngày nay rất chú trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm. Song song đó, chuẩn bị các tài liệu giới thiệu thông tin về đơn vị mình, sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ, sản lượng và khả năng cung ứng cho đối tác bằng hình thức tập gấp, video clip hoặc Brochure… và bố trí nhân sự hợp lý để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.